Hài hòa đạo với đời
Ngày đăng: 09/07/2018Là tỉnh nhiều dân tộc nhưng với đường hướng hòa hợp dân tộc, hòa hợp đạo – đời, bà con nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang đã đoàn kết một lòng cùng góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo ông Trương Hoàng Trọng, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 29 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Khmer chiếm hơn 4%, sống tập trung nhiều nhất ở 2 huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên, số còn lại sống rải rác ở một số huyện Châu Thành, Thoại Sơn và Châu Phú.
“Trong những năm qua, tình hình hoạt động tôn giáo cơ bản ổn định, các sinh hoạt tôn giáo ngày càng đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, hài hòa giữa việc đời việc đạo. Tuy nhiên, trong nội bộ một số tôn giáo còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, một số tu sĩ đi nước ngoài với lý do thăm thân, du lịch, chữa bệnh… nhưng thực chất là hoạt động tôn giáo. Một bộ phận chức sắc muốn hoạt động tôn giáo độc lập với sự quản lý của Nhà nước, gây khó khăn trong công tác quản lý. Đáng chú ý nhất là một số đối tượng đội lốt tôn giáo để thực hiện các hành vi gây rối an ninh, trật tự, vu khống, nhằm chống phá Nhà nước”, ông Trọng nói.
Chia sẻ về công tác phật sự của tôn giáo mình, ông Lê Văn Thưởng, Phó Trưởng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Hoà Hảo cho biết: Hiện nay, tín đồ phật giáo Hoà Hảo sống hài hòa, ổn định. Công việc từ thiện, hỗ thiện giáo lý, củng cố nhân sự được Ban Trị sự thực hiện theo đúng hiến chương của giáo hội và quy chế đề ra nhằm xây dựng nước nhà phồn thịnh. Tín đồ đã giữ đúng theo tôn chỉ của Giáo hội cần mẫn báo đáp tứ ân, làm trọn với đất nước, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, UB MTTQ tỉnh An Giang đã thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Qua đó có nhiều mô hình mới, cách làm hay trong hoạt động từ thiện ra đời như: mô hình Cơm cháo từ thiện, đóng góp mua xe chuyển bệnh viện miễn phí cho bệnh nhân nghèo; khám chữa bệnh từ thiện, nuôi dạy học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội và Phật giáo Việt Nam tỉnh; Giáo dục mầm non trong đồng bào Công giáo. Đặc biệt, UB MTTQ tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng chương trình phối hợp với các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh còn thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tôn giáo, phối hợp với Mặt trận cơ sở hướng dẫn, tạo điều kiện cho bà con có đạo tổ chức các ngày lễ trọng đúng theo hiến chương và quy định của pháp luật, góp phần tạo thêm niềm tin trong các tín đồ tôn giáo đối với Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm, tạo điều kiện thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của các tôn giáo.
Ông Trương Hoàng Trọng cho biết thêm, trong nhiều năm gần đây, các cơ sở thờ tự được xây dựng, sữa chữa khang trang; các ngày lễ trọng tôn giáo được tổ chức trang nghiêm, đúng hướng dẫn; chức sắc, chức việc và tín đồ luôn phấn khởi, an tâm tu hành, có tinh thần đoàn kết dân tộc và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều vị chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo tham gia vào HĐND – UB MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp đã góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an ninh biên giới.
“Trong thời gian tới MTTQ từ tỉnh đến cơ sở sẽ thường xuyên tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chương trình phát triển kinh tế xã hội và Luật tín ngưỡng, tôn giáo, những Nghị định của Chính phủ quy định thi hành để tín đồ thông suốt thực hiện nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu”, ông Trọng nói.
Theo daidoanket.vn