Gia Lai: Đưa chính sách, pháp luật về tôn giáo vào cuộc sống
Ngày đăng: 28/08/2019
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 5 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài và Bahai. Việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo đi vào cuộc sống đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Hiện tổng số chức sắc và chức việc trên toàn tỉnh gần 2.300 người, trong đó có 526 vị chức sắc các tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo có 376.720 người, chiếm khoảng 25% dân số trong tỉnh.

Chính sách, pháp luật đi vào đời sống

Những năm qua, Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai đã giúp Sở Nội vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Đề cập đến vấn đề này, ông Hồ Hải Tần-Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Ban Tôn giáo tỉnh-cho biết: Ban Tôn giáo tỉnh đã cùng các ngành liên quan tổ chức thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo. Cùng với đó là phối hợp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Ban cũng đã tham mưu, đề xuất tỉnh giải quyết kịp thời theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo theo quy định của pháp luật. Vào dịp Tết và lễ trọng của các tôn giáo, Ban Tôn giáo tỉnh đã cùng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ các địa phương tổ chức thăm, tặng quà và gặp mặt thân mật các chức sắc, tu sĩ, đồng bào tôn giáo tiêu biểu. Qua đó, ghi nhận và biểu dương những thành quả trong việc tham gia các hoạt động từ thiện-xã hội và góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Ông Tần cho biết thêm: “Ban Tôn giáo tỉnh còn quan tâm hướng dẫn Phòng Nội vụ cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, cũng như thường xuyên phối hợp với MTTQ, ban ngành, đoàn thể các cấp tuyên truyền giúp đồng bào có đạo nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”. 

Điểm sáng “Tốt đời - Đẹp đạo”

Trao đổi với P.V, giáo hữu Ngọc Đào Thanh - Trưởng ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Tây Ninh tại Gia Lai cho rằng: Ban Đại diện luôn chú trọng hướng dẫn chức sắc và bà con đạo hữu các họ đạo cơ sở trực thuộc thực hiện sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật và đường hướng “Nước vinh-Đạo sáng” mà Hiến chương Hội thánh Cao đài Tây Ninh đề ra.

Một trong những cơ sở  tiêu biểu là Họ đạo Cao Đài Lệ Trung, đứng chân tại phường Ia Kring (TP. Pleiku) với hơn 800 tín đồ tham gia sinh hoạt. Cộng đồng bà con đạo hữu đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và sống tốt đời đẹp đạo, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng địa phương.

Với tinh thần nhập thế tích cực theo đường hướng “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, đồng bào Phật giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia công tác xã hội và hoạt động vì cuộc sống cộng đồng. Hàng năm, Ban Từ thiện của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các chùa, tịnh xá, tăng ni, phật tử đã ủng hộ nguồn kinh phí và vật chất trị giá bình quân trên 5 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động từ thiện giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa về lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc chữa bệnh và xây dựng nhà ở cho hộ nghèo... Tiêu biểu trong cộng đồng Phật giáo tại địa phương có chùa Bửu Châu đứng chân tại phường Thống Nhất (TP. Pleiku). Sư cô Thích Nữ Minh Nguyên với lòng từ bi đã cưu mang nuôi dưỡng hơn 50 trẻ cơ nhỡ, mồ côi, qua đó thiết thực góp phần cùng với xã hội, chính quyền địa phương chăm sóc, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh yếu thế.

Phát huy tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, nhiều giáo xứ Công giáo trên địa bàn tỉnh cũng đã đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Ông Trần Văn Quế-Trưởng ban Chức việc Giáo xứ La Sơn (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cho biết: “Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Giáo xứ La Sơn đã vận động giáo dân tham gia đóng góp hơn 10.000 ngày công, phối hợp cùng UBND xã Ia Băng xây dựng nhiều ki lô mét đường bê tông nông thôn giúp việc sản xuất và giao thông thuận tiện hơn. Đồng thời, cùng xã vận động gia đình giáo dân quan tâm giáo dục, quản lý con em không sa vào các tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự ở nông thôn”. Cũng với tinh thần kính Chúa yêu nước, Giáo xứ Ngô Sơn (huyện Chư Pah) đã góp kinh phí làm 4 căn nhà cho hộ nghèo và giúp đỡ trên 200 triệu đồng cho các hộ gặp rủi ro, đau ốm, hoạn nạn, học sinh vượt khó./.

(baogialai.com.vn)