Cộng đồng tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 17/01/2018Hưởng ứng phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thủ đô đã có hành động thiết thực bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình hay đã xuất hiện, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và các tín đồ, chức sắc tôn giáo, cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Là địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất huyện Mê Linh (hơn 250ha), trước đây, nhiều người dân ở xã Tiền Phong có thói quen vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật ngay tại ruộng. Để thay đổi thói quen xấu này, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng, trụ trì chùa Trung Hậu (huyện Mê Linh) đã kiên trì tuyên truyền cho phật tử hiểu rõ hành vi trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Nhà chùa còn gương mẫu trồng nhiều cây xanh, lắp đặt hơn 30 thùng rác để giữ gìn cảnh quan môi trường.
Tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), Giáo xứ Cẩm Cơ, thôn Cơ giáo cũng xây dựng thành công mô hình thanh niên Công giáo tình nguyện làm vệ sinh môi trường. Anh Nguyễn Văn Kha, thành viên thôn Cơ giáo cho biết: "Vào sáng thứ bảy hằng tuần, chúng tôi vệ sinh đường làng ngõ xóm. Nhờ duy trì đều đặn mà đường làng, ngõ xóm của thôn luôn sạch, đẹp, nhiều tuyến đường hoa, nhiều cây cảnh được trồng mới, tạo không gian đẹp cho quê hương". 198 gia đình của thôn Cơ giáo đã đăng ký trồng rau sạch, xây dựng khu chăn nuôi xa khu dân cư, thực hiện đổ rác đúng quy định, phân loại rác hữu cơ, giảm sử dụng túi ni lông.
Đây là thành quả sau một năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và Sở Tài nguyên - Môi trường triển khai kế hoạch phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Để triển khai hiệu quả kế hoạch, hai cơ quan đã chỉ đạo xây dựng 3 mô hình điểm tại chùa Trung Hậu, họ Cơ giáo và Thánh thất Cao đài Thủ đô (quận Hai Bà Trưng). Tại mỗi mô hình điểm, hai cơ quan thực hiện khảo sát, đưa ra các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm để các mô hình ngày càng hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội còn đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào chương trình Phật sự năm 2017, triển khai đến toàn thể tăng, ni, phật tử, thực hiện việc trồng cây, tiết kiệm nước, dọn vệ sinh, trồng hoa, sử dụng bếp gas thay bếp củi… Điển hình như Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Sóc Sơn… vận động nhân dân giảm đốt vàng mã; các xã, thị trấn của huyện Phú Xuyên trồng 43 tuyến đường hoa; người dân huyện Mê Linh đặt 2.401 thùng rác ở khu dân cư; huyện Đông Anh vận động nhân dân thực hiện hỏa táng đạt 86,3%…
Đến nay, toàn thành phố có 584 xã, phường, thị trấn, 5.136 khu dân cư ký cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến từng người dân và các cơ sở thờ tự; 715 tổ dân phố nghiêm chỉnh thực hiện thu gom rác thải và chất thải 2 lần/tuần, vận động nhân dân phân loại rác từ gia đình. Các tổ chức tôn giáo còn vận động nhân dân ra quân tổng vệ sinh môi trường, duy trì ngày Chủ nhật “xanh - sạch - đẹp”.
Thời gian thực hiện chương trình mới được một năm, song đã có nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc điểm của từng tôn giáo và địa bàn dân cư. Thời gian tới, các tổ chức tôn giáo tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các chức sắc, tín đồ... Mặt khác, các tổ chức tôn giáo sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2018 phù hợp với giáo lý, đặc điểm tôn giáo và tình hình cụ thể của từng địa phương. Thành phố sẽ chú trọng nhân rộng các mô hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo, nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, ngày càng có nhiều người cùng nhận thức và tham gia bảo vệ môi trường.
Theo hanoimoi.com.vn