Bảo vệ môi trường, gắn kết tôn giáo
Ngày đăng: 07/06/2018
Các tổ chức tôn giáo tại Hải Phòng trong quá trình thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng tăng cường sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao hiệu quả và từng bước nhân rộng các mô hình điểm trong đồng bào các tôn giáo.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hải Phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố vừa sơ kết 3 năm Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư. 

Cụ thể là các hoạt động tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến từng hộ gia đình và tại các cơ sở thờ tự của tôn giáo. Thực hiện chiến dịch dọn dẹp vệ sinh: thu gom rác thải và chất thải làm sạch đẹp môi trường, phát động chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải đều đặn hàng tuần, vận động nhân dân phân loại rác từ trong gia đình. 

Các tổ chức tôn giáo đã đưa nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hàng năm như tổ chức các khóa tu Mùa An cư Kiết hạ, buổi thuyết giảng Kinh nhà Phật của Giáo hội Phật giáo thành phố. Cùng với đó tổ chức các khóa thường huấn cho giáo dân, các khóa tập huấn về cứu trợ cứu nạn cho trên 700 học viên, cách xử lý rác thải, tổ chức gây quỹ phòng chống thiên tai, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai của đồng bào Công giáo. Đồng thời các tín đồ đạo Cao Đài trồng cây xanh, hoa, cây cảnh làm vệ sinh, dọn dẹp đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp… 

Ông Cao Xuân Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng ghi nhận: Sau 3 năm (2016-2018) triển khai chương trình, hệ thống Mặt trận các cấp, các địa phương và tổ chức tôn giáo phối hợp xây dựng các mô hình điểm, đạt được kết quả tốt với nhiều cách làm hay, sáng tạo. 

Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo tại Hải Phòng ngày càng tăng cường sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao hiệu quả và từng bước nhân rộng các mô hình điểm trong đồng bào các tôn giáo.

Tiêu biểu như mô hình: “Tự quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư” của xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng). Mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ven biển, hải đảo” tại xã Văn Phong (huyện Cát Hải) và xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy). Mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư” tại thị trấn An Dương, huyện An Dương. Mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư” vùng đồng bào đạo Tin lành tại Tổ dân phố số 3 phường Bắc Sơn, quận Kiến An… 

Dịp này, mô hình điểm Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư vùng đồng bào có đạo cũng được triển khai thực hiện tại thôn Chiến Thắng, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Đáng chú ý, mô hình Tự quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư tại thôn Đốc Hậu, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng đã được tổng kết và phát động nhân rộng ra toàn thành phố. Để có được kết quả tốt sau 3 năm thực hiện, ông Vũ Văn Bản, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Toàn Thắng chia sẻ: Ngay sau khi phát động, phong trào được triển khai cụ thể đến các cấp cơ sở. Bên cạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường của cấp ủy, chính quyền địa phương và ban ngành đoàn thể với nhiều hành động thiết thực là sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng dân cư. Từ khi mô hình điểm được triển khai trên địa bàn xã, ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã thay đổi rõ rệt. 

Ông Cao Xuân Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng đề nghị, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các cấp, các tổ chức tôn giáo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hệ thống Mặt trận, tham gia sâu, rộng, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các vị chức sắc, tín đồ và nhân dân chung sức chung lòng bảo vệ tài nguyên, môi trường, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhất là xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm trong cộng đồng dân cư, đưa mô hình “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư vùng đồng bào có đạo” tại xã Đặng Cương, huyện An Dương trở thành điển hình của thành phố về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.    

Nguồn: daidoanket.vn