Bức tranh tự do tôn giáo ở Việt Nam: phản hồi đanh thép những cáo buộc sai lệch của Hoa Kỳ về Việt Nam
Ngày đăng: 10/05/2024Hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường công bố các báo cáo về nhân quyền và tự do tôn giáo, trong đó, đơn phương “chấm điểm” các nước khác trên thế giới và tự cho mình quyền đưa tên một vài quốc gia vào danh sách vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo, theo đánh giá chủ quan của phía Hoa Kỳ. Ngày 02/12/2022, trong Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2022, Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt (SWL) về tự do tôn giáo. Năm tiếp theo, Hoa Kỳ tiếp tục giữ tên Việt Nam trong danh sách này theo Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 công bố ngày 04/01/2024. Lý do phía Hoa Kỳ nêu ra là cho rằng Việt Nam “tham gia hoặc dung túng cho các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”, như: gây khó khăn đối với hoạt động đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, quấy rối thành viên các nhóm tôn giáo chưa được công nhận tổ chức hay buộc các thành viên trong một số cộng đồng dân tộc từ bỏ đức tin tôn giáo…
Trước cáo buộc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Việt Nam đã có những phản hồi chính thức về vấn đề này. Cụ thể, ngày 15/12/2022, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Tiếp đó, ngày 11/01/2024, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao một lần nữa khẳng định: chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo các quyền con người, cũng như quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Điều này được ghi rất rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được đảm bảo tôn trọng trên thực tế.
Chính sách thông thoáng, cởi mở, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ
Việc công nhận tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo tập trung đã được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP (trước đây) và nay là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc hay đối thoại, Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, không chỉ đối với công dân Việt Nam mà cả những người đang chấp hành hình phạt tù và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; đảm bảo các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Các tổ chức có giáo lý, giáo luật rõ ràng, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đều được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Trên thực tế, sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã công nhận thêm 04 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 02 tổ chức, nâng số lượng tổ chức tôn giáo được công nhận lên 39 tổ chức. Năm 2018, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn, Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo. Tháng 10/2019, Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần được công nhận tổ chức tôn giáo. Tháng 8/2023, Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn được công nhận tổ chức tôn giáo. Tháng 12/2023, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn được công nhận tổ chức tôn giáo. Gần đây nhất, ngày 08/4/2024, Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam được công nhận tổ chức tôn giáo. Việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã giúp rút ngắn thời gian công nhận tổ chức tôn giáo từ 20 năm (theo quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo 2004) xuống chỉ còn 05 năm, như dẫn chứng của Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn và Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam đã nêu trên.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trao Quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, tháng 4/2024
Số lượng điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung đều tăng theo thời gian ở tất cả các tôn giáo. Trước khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có hơn 2.600 điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, sau khi Luật có hiệu lực, có thêm hơn 1.100 điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó, hơn 60 điểm nhóm sinh hoạt tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Ở khu vực miền núi phía Bắc, trong 03 năm 2021-2023, có thêm 170 điểm nhóm đạo Tin Lành đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và 06 tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập. Tại Tây Nguyên, có thêm 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập từ các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung đã đăng ký trước đó. Về việc các điểm nhóm chưa được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, nguyên nhân chủ yếu là do chưa đủ điều kiện hoặc không thực hiện các thủ tục đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương vẫn linh hoạt, tạo điều kiện cho các điểm nhóm này sinh hoạt tôn giáo để đáp ứng nhu cầu đời sống đạo của người dân, đồng thời, tiếp tục hướng dẫn họ hoàn thiện các thủ tục đăng ký theo đúng quy định của pháp luật.
Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, chỉ riêng trong năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản với số lượng 2,4 triệu bản in, trong đó, có nhiều ấn phẩm, kinh sách bằng tiếng dân tộc và tiếng nước ngoài. Cùng với đó, vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới cơ sở thờ tự. Hiện nay, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cả nước đạt hơn 70%. Nhà nước cũng áp dụng việc giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự hoặc trụ sở của các tổ chức tôn giáo.
Đời sống tôn giáo tại Việt Nam là bức tranh đa sắc màu, tự do và hòa hợp
Dù có tới 16 tôn giáo và được xếp vào nhóm 12 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Hoa Kỳ), nhưng các tôn giáo ở Việt Nam không có sự xung đột gay gắt mà ngược lại, giao thoa lẫn nhau và gắn kết cùng cộng đồng dân cư xung quanh. Nếu không xuất phát từ quan điểm, chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật, thì hơn 26,5 triệu đồng bào là tín đồ tôn giáo, chiếm ¼ dân số quốc gia, có thể nào chung sống ổn định, đoàn kết, thịnh vượng, phấn khởi góp sức xây dựng đất nước như ở Việt Nam? Có ở nơi đâu mà lãnh đạo của hơn 40 tổ chức tôn giáo, với những khác biệt về nghi thức hành đạo, giáo lý, giáo luật, lại có thể ngồi lại cùng nhau để chia sẻ sáng kiến, tâm tư, nguyện vọng xây dựng và phát triển đất nước như ở Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương các tổ chức tôn giáo, hay cùng tham gia ký cam kết chung tay bảo vệ môi trường như Việt Nam đã làm được?
Cũng thật hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà dịp lễ trọng của tôn giáo vốn là công việc nội bộ của giáo hội, chức sắc và các tín đồ, nay lại nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của đồng bào không theo tôn giáo. Ở mọi miền trên đất nước Việt Nam, những ngày lễ như: Phật đản, Vu lan của Phật giáo, Giáng sinh của Công giáo, Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài, lễ hội Ka-tê của đồng bào Chăm Bà-la-môn… không chỉ tín đồ mà người dân cũng sắm sửa, bày biện, thưởng thức văn hóa - nghệ thuật, tìm về các cơ sở thờ tự để hòa mình vào không khí đón, rước lễ hội, chia sẻ niềm vui với đồng bào tôn giáo. Lễ hội tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng, phản ánh chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước được hiện thực hóa trong đời sống xã hội, từ sự quan tâm, chăm lo phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào đến sự hỗ trợ thiết thực của các cấp chính quyền trong công tác tổ chức, bảo đảm an ninh, trật tự… cho mỗi dịp lễ hội. Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo đăng cai, tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội tôn giáo tầm cỡ khu vực và quốc tế tại Việt Nam, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Trong năm 2023, hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo đã tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Với thực tế đời sống tôn giáo sôi nổi như vậy, thật đáng lên án nhận định rằng Việt Nam dung túng cho những hành động ép buộc người dân từ bỏ đức tin tôn giáo. Ngược lại, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Người dân có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền. Ngoài ra, các nhóm tín đồ theo tôn giáo chưa được công nhận tổ chức tôn giáo hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo tập trung tại địa điểm hợp pháp. Những con số biết nói về đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua là minh chứng tiêu biểu nhất cho nỗ lực bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tháng 8/2022
Nhận định đời sống tôn giáo ở Việt Nam bằng những thông tin sai lệch
Từ thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy, Việt Nam có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để chứng minh những lập luận mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu trong các báo cáo là không chính xác, thiếu khách quan. Cần chỉ rõ rằng, những thông tin, dẫn chứng mà phía Hoa Kỳ đưa vào các báo cáo của mình hầu hết xuất phát từ nguồn tin của các thế lực thiếu thiện chí, tổ chức phản động lưu vong chống Đảng, Nhà nước Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân Việt Nam. Thủ đoạn được các tổ chức này sử dụng là móc nối, liên kết với các tổ chức phi chính phủ quốc tế, lập các dự án về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo nhằm mục đích bôi nhọ, tạo hình ảnh, dư luận xấu để giảm uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời lấy cớ kích động thành phần cực đoan, quá khích ở trong nước phá hoại, gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Có thể kể đến là tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển” Boat People SOS (BPSOS) được lập ra năm 1980, hiện nay do ông Nguyễn Đình Thắng, sinh năm 1958, một cựu quan chức của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, giữ vai trò điều hành, phạm vi hoạt động tại Hoa Kỳ và một số nước lân cận Việt Nam. Ban đầu, tổ chức này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực “cứu trợ thuyền viên”, “chống buôn người” ở Việt Nam sang nước khác. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, BPSOS đã được sự chống lưng của một số tổ chức, chính khách phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam, biến tổ chức này thành một tổ chức khủng bố, lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. BPSOS thường xuyên tiến hành các hoạt động thu thập thông tin liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, tổ chức các hội thảo, diễn đàn thảo luận trên mạng xã hội với chủ đề “tự do tôn giáo tại Việt Nam”. Thành phần tham gia là cá nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đã bị xử lý và đại diện cá nhân trong tổ chức tôn giáo chưa được pháp luật công nhận hoặc liên quan đến yếu tố mê tín dị đoan, trục lợi gây ảnh hưởng xấu trong đời sống xã hội. Nhiều dự án của BPSOS được Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) bảo trợ, đỡ đầu, trong khi USCIRF hiện giữ vai trò tham vấn cho Quốc hội Hoa Kỳ, Ngoại trưởng và Tổng thống Hoa Kỳ thực hiện chính sách đối ngoại về tự do tôn giáo toàn cầu. Nguyễn Đình Thắng đã cầm đầu, phân công nhiệm vụ cho các thành viên cốt cán trong tổ chức tiến hành các hội thảo, nghị luận trên mạng xã hội, tuyên truyền xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở trong nước, thường xuyên phỏng vấn nghị sỹ, quan chức nước ngoài về tự do tôn giáo tại Việt Nam; cử đại biểu tham dự các buổi nghị luận, phiên điều trần của Quốc hội các nước Hoa Kỳ, phương Tây. Tháng 01/2024 vừa qua, khi Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế, BPSOS đã cử đại diện tham dự và phát biểu tố cáo Việt Nam “vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, tiến hành phát sóng trực tiếp hội nghị; tổ chức hội nghị, thảo luận bên lề Hội nghị do Hoa Kỳ tổ chức nhằm vận động chính giới phương Tây tiếp tục gây sức ép đối với Việt Nam, yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia quan tâm đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.
Mặc dù vậy, những xuyên tạc, vu cáo của BPSOS hay một số tổ chức lưu vong khác không thể che lấp sự thật về những nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong bảo đảm quyền tự do tôn giáo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Bằng việc 02 lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016 và nhiệm kỳ 2023-2025) với số phiếu bầu cao biểu hiện sự tín nhiệm của các nước trên thế giới với cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, công tâm về tiến trình bảo đảm nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, quan hệ Việt Nam - Vatican được nâng cấp lên Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam hồi tháng 7/2023, tiếp đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh tháng 4/2024, cho thấy sự công nhận tích cực của Vatican đối với chính sách tôn giáo của Nhà nước và tình hình đời sống tôn giáo tại Việt Nam. Chuyến thăm của Bộ trưởng Paul Richard Gallagher cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục đón các phái đoàn cấp cao của Tòa thánh Vatican đến thăm Việt Nam trong thời gian tới. Đời sống tôn giáo nhộn nhịp, phát triển ở Việt Nam và những ghi nhận, ủng hộ, đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế là những bằng chứng khách quan không thể chối cãi về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, phản bác những lập luận vu khống của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, bị giật dây với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và sự ổn định, tiến bộ xã hội ở Việt Nam.