Tham gia của Phật giáo vào phát triển bền vững
Ngày đăng: 04/10/2022
Phật giáo là tôn giáo ra đời sớm và phát triển trên khắp thế giới với số lượng tín đồ đông đảo. Không chỉ được biết đến là tôn giáo hòa bình, Phật giáo còn là tôn giáo nhập thế, với những hoạt động xã hội hiệu quả, hưởng ứng tích cực những định hướng phát triển của Liên Hiệp Quốc. Ở Việt Nam, Phật giáo được nhìn nhận là tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc với các hoạt động thiết thực “phục vụ chúng sinh” góp phần xây dựng và phát triển đất nước theo hướng bền vững. Nội dung bài này sẽ làm rõ hơn sự tham gia của Phật giáo vào phát triển bền vững qua ba góc nhìn dưới đây.

Phát triển bền vững là mục tiêu của Phật giáo

Dưới góc nhìn phổ quát, phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thoả mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Như vậy, phát triển bền vững là quá trình biến đổi mãnh mẽ trên nhiều lĩnh vực trong đó sự biến đổi kinh tế nhằm tạo tối ưu trong tăng trưởng để nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ vững nền tảng văn hoá, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, đáp ứng nhu cầu không chỉ của hiện tại mà còn đáp ứng nhu cầu trong tương lai, nhưng không làm tổn hại đến hệ sinh thái và môi trường.

Trên thực tế, quá trình phát triển đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp mà xã hội phải đối mặt. Đó là tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, tình trạng băng hoại đạo đức và niềm tin bị xói mòn, đời sống tinh thần ở một bộ phận người dân có dấu hiệu “lệch chuẩn”, các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một, nhường chỗ cho các giá trị văn hoá theo thị hiếu mới xâm nhập ồ ạt, làm tổn hại đến bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sống đang dần bị huỷ hoại, đó chính là các rào cản cho sự phát triển bền vững.

Những rào cản đó là thách thức của thời đại, vậy làm thế nào để phát triển bền vững trên cơ sở giữ được tăng trưởng kinh tế, nhưng đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội đồng thời lại vừa phát huy được bản sắc văn hoá của dân tộc và bảo vệ được môi trường, đặc biệt là vai trò trung tâm của con người trong tiến trình phát triển xã hội.

Khái niệm phát triển bền vững có thể được giải thích theo nhiều cách, nhưng về cơ bản đó là cách tiếp cận sự phát triển hướng tới cân bằng những nhu cầu khác biệt, trước giới hạn của những nguồn lực, môi trường và xã hội. Như vậy, phát triển bền vững liên quan chặt chẽ tới một nghĩa vụ đạo đức mà không ai có thể tự xếp mình đứng ngoài. Trong mối quan hệ đó, Phật giáo đề xuất cách nhận thức, định hướng và nhiệm vụ giữa con người và sự phát triển thông qua giáo lý duyên khởi và quan điểm tri túc thường lạc.

Theo quan điểm của Phật giáo, phát triển bền vững chính là sự phát triển phải đi liền với bảo tồn và phát huy những giá trị (đạo đức). Sự phát triển của cá nhân phải hài hòa trong sự phát triển của cộng đồng (lục hòa). Và trong mọi việc, từ xây dựng xã hội, gia đình hay cá nhân, cương lĩnh quan trọng nhất đó là “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, “thiện giả” để đạt được kết quả “thiện báo” và thành tựu việc xây dựng xã hội tốt đẹp, toàn thiện, toàn mỹ.

 Đức Phật là người đã đưa ra tư tưởng phát triển bền vững từ rất sớm. Trong kinh điển Phật giáo, Đức Phật dạy rằng: chớ có hủy hoại và làm tổn thương cây cối môi trường, chớ có giết hại và làm tổn thương muôn loài, vì tất thảy đều có quan hệ đến chúng ta (con người) trong một chỉnh thể pháp giới bởi nguyên lý của nhân quả và mối liên hệ phố biến được thể hiện qua giáo lý duyên khởi. Quan điểm này cho thấy tư tưởng về phát triển bền vững, đó chính là phát triển không chỉ đáp ứng nhu cầu cho thế hệ hiện tại mà còn không phải thỏa hiệp hay bù đắp cho thế hệ tương lai để tự thỏa mãn các nhu cầu của họ.

Phật giáo không chạy theo những giá trị vật chất, Phật giáo lựa chọn con đường phát triển bền vững chính là thực hiện sự làm giầu về nội tâm, tôn trọng và bảo vệ môi trường. Lựa chọn này của Phật giáo thể hiện trong việc đề cao trí tuệ, diệt trừ vô minh, không sát sinh, sống cuộc sống biết đủ, thanh tịnh và hạnh phúc.

Trong lịch sử cũng như hiện tại, Phật giáo đã có những đóng góp to lớn trong việc gìn giữ văn hoá dân tộc, xây dựng đạo đức, lối sống của người dân Việt. Lịch sử đã cho thấy những đóng góp của Phật giáo cho sự phát triển bền vững xã hội. Có thể nói không quá rằng, Phật giáo đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hoá dân tộc, là nhân tố cấu thành nên nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc, một trụ cột quan trọng của phát triển bền vững.

Phát triển bền vững là triết lý Phật giáo

Phật giáo là một tôn giáo ra đời từ thế kỷ VI trước công nguyên, với triết lý gần gũi, gắn bó với cuộc sống con người là nguyên nhân cho Phật giáo tồn tại và phát triển. Trải qua hơn 25 thế kỷ, Phật giáo đã tạo được chân đứng ở các quốc gia truyền đến, những triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Các triết lý Tứ diệu đế, Duyên khởi, Nhân quả, các giá trị đạo đức về lòng yêu thương, đức từ bi, hạnh cứu khổ, vô ngã vị tha… đã xây dựng nên quy cách, chuẩn mực ứng xử xã hội và đều thể hiện tư tưởng phát triển bền vững của đạo Phật.

Thuyết Tứ diệu đế, nền tảng của giáo lý Phật giáo, cho rằng, con người ngay từ khi ra đời đã chịu sự khổ. Nhưng bởi không nhận thức được bản chất của sự khổ nên con người tiếp tục đắm chìm trong sự khổ đó do lòng mê muội, tham lam, đố kị, ganh ghét, gây nghiệp ác. Vì thế, chỉ khi nhận thức được bản chất của sự khổ một cách rõ ràng thì mới có thể chấm dứt khổ đau để đến với an lạc và hạnh phúc. Chân lý đó cho thấy sự phát triển bền vững ngay trong giáo lý Phật giáo. Để nhận thức được chân lý của sự khổ và tiến đến an lạc, bản thân mỗi người phải phát huy trí tuệ và chỉ có tuệ giác thì mới thấy được chân lý, từ đó có những nhìn nhận sáng suốt và sát thực. Bởi trí tuệ chính là ánh sáng soi đường cho nhân tâm hướng đến những điều tích cực cho bản thân và cho xã hội - một sự phát triển trong minh triết và đạo đức. Thuyết Tứ diệu đế đã khơi dậy tinh thần phát triển từ mỗi người, lấy sự phát triển bền vững của từng cá nhân trong cộng đồng làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững chung của toàn xã hội.

Một trong những trụ cột quan trọng của phát triển bền vững và cũng là mục tiêu thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc đề xướng và thực hiện, đó là an ninh con người. Với nội dung này, lý thuyết về Tứ diệu đế trong quan điểm nhân sinh quan của Phật giáo đã đưa ra cách giải quyết rốt ráo thông qua việc nhìn nhận về con người, với các khía cạnh cụ thể về những chướng ngại, những nỗi khổ, cách thức giải quyết để đạt đến cuộc sống an lạc, tự tại, giải thoát và hạnh phúc.

Thuyết Duyên khởi cũng đã chỉ rõ nguyên lý vận hành của vũ trụ, của vạn vật và là chân lý về sự tồn vong. Duyên khởi cũng chỉ ra mối liên hệ cơ hữu của vũ trụ, tự nhiên, con người. Nó giải thích sự hình thành và phát triển của vạn vật là do sự kết hợp nhân duyên.

Phật giáo cho rằng, vạn vật trên thế gian này đều là sự kết hợp của nhiều nhân duyên, các nhân duyên không tồn tại độc lập mà nương tựa vào nhau hình thành nên mối quan hệ tương hỗ, phụ thuộc lẫn nhau. Đức Phật dạy rằng: “cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt”. Sự tồn tại trong mối quan hệ tương hỗ giữa con người và tự nhiên tạo nên một chỉnh thể thống nhất và không chia cắt, mà nương nhờ, chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau. Vì thế, sẽ không thể phát triển bền vững khi chúng ta tác động vào tự nhiên một cách thô bạo. Như vậy, thuyết Duyên khởi của Phật giáo không nằm ngoài mục đích hướng đến sự phát triển bền vững thông qua việc duy trì và thúc đẩy các hoạt động tốt đẹp, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tri thức và phẩm giá con người phải đi đôi với bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.

Đức Phật ngay từ khi sinh ra cho đến khi thành đạo và nhập niết bàn đều thể hiện lối sống chan hoà với tự nhiên, tôn trọng và yêu thương chúng sinh để bảo vệ, cân bằng môi trường sống. Tư tưởng về lòng từ bi và bất bạo động của Đức Phật thể hiện sự tôn trọng môi trường tự nhiên và chuyển tải thông điệp sống hoà hợp với tự nhiên. Phật giáo chủ trương yêu thương và từ bi với tất cả mọi loài, tôn trọng sự sống của tất cả mọi loài. Phật giáo cho rằng hành vi của chúng ta đối xử với thế giới xung quanh như thế nào, chúng ta cũng sẽ  nhận về kết quả như thế. Đó cũng chính là tinh thần của thuyết  Nhân - Quả của Phật giáo.

Phật giáo là một tôn giáo với tinh thần dấn thân, phục vụ nhân sinh, với những triết lý về từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha… và một số quy tắc đạo đức như ngũ giới, thập thiện… đều thể hiện sự tương đồng với những quy tắc, chuẩn mực của đạo đức xã hội, trở thành triết lý sống và là một phần văn hóa, đạo đức, lối sống của dân tộc, góp phần hình thành đạo đức xã hội.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, con người bị thội thúc chạy theo giá trị lợi ích thuần túy, nền đạo đức xã hội đang đặt trước những nguy cơ suy thoái và băng hoại. Chính những giá trị của Phật giáo sẽ góp phần hoàn thiện và phát triển nhân cách con người xã hội một cách toàn diện. Phật giáo đã đưa đến những quan niệm sống cao đẹp, thánh thiện, góp phần sản sinh ra sự giàu có vô tận về tinh thần đó chính là sự đóng góp cho xã hội phát triển một cách bền vững nhất.

Phát triển bền vững tiếp tục là định hướng của Phật giáo Việt Nam

Phát triển bền vững chính là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam trong những năm qua, phát triển bền vững luôn là vấn đề được quan tâm không chỉ ở cấp nhà nước mà còn là sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội. Bắt nhịp với bước đi của thời đại và nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó khẳng định: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược”, và nhất định không đánh đổi lợi ích kinh tế để hủy hoại môi trường. Mục tiêu của phát triển bền vững là đầy đủ về vật chất, giàu có về tinh thần và văn hoá, bình đẳng của các công dân và sự hài hoà giữa con người và tự nhiên.

Hiện nay, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội được triển khai trong thực tiễn để phát triển đất nước. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội là chưa đủ mà còn phải có một môi trường sống trong lành, thân thiện, hài hòa với tự nhiên.

Phật giáo là tôn giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, trong bối cảnh hiện nay Phật giáo sẽ tiếp tục có những đóng góp để phát triển đất nước bền vững thông qua việc xiển dương những giá trị văn hóa, đạo đức, những triết lý nhân văn sâu sắc, tốt đẹp mà Đức Phật đã trao truyền vào thực tiễn đời sống xã hội. Các tín đồ Phật tử khi đến chùa vẫn khuyên nhau: “Xây chùa, tô tượng, đúc chuông/ Ba công đức ấy thế gian nên làm”. Tuy nhiên, thấm nhuần giáo lý Phật giáo trong văn hóa truyền thống dân tộc, ông cha ta dạy rằng: “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Như vậy, giá trị cao nhất của Phật giáo không phải là xây chùa cao, cảnh lớn mà là phải làm mọi việc cho con người và vì con người. Đó mới là giá trị nhân văn thể hiện tinh thần nhập thế và phát triển của giáo lý Phật giáo. Nội dung này đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cụ thể hóa bằng phương châm: “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”. Các hoạt động xã hội tôn giáo trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thừ thiện, nhân đạo… nhất là trong công tác phong chống dịch bệnh covid-19 vừa qua đã thể hiện rõ việc duy trì và phát huy định hướng đó của Phật giáo Việt Nam. Trong tương lai, đây cũng chính là yêu cầu đặt ra cho Giáo hội và các tăng ni, Phật tử. Nó đòi hỏi những người con Phật phải sống “tốt đời, đẹp đạo”, vừa chu toàn bổn phận đệ tử Phật, lại phải hoàn thành nghĩa vụ công dân, cụ thể hóa giáo lý Phật giáo thành những hành động thiết thực với tinh thần nhập thế cao nhất để xây dựng đất nước phát triển theo hướng bền vững.

Với hai nghìn năm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đã có nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước theo hướng bền vững như hoàn thiện đạo đức, lối sống của người Việt, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống trong lành, tham gia hiệu quả và tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng các thiết chế xã hội. Đó chính là nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững và đó cũng chính là những lý do mà chúng ta có thể hy vọng và tin tưởng vào Phật giáo đối với sự phát triển bền vững của đất nước không chỉ hôm nay mà còn cả mai sau.

 

TS. Lê Trung Kiên