Hoạt động tôn giáo, hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày đăng: 24/01/2018Ngày 18/11/2016, tài kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được thông qua gồm 9 chương, 8 mục và 68 điều và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất về tín ngưỡng, tôn giáo từ trước đến nay. Bên cạnh việc quy định về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo; về tổ chức tôn giáo; về tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo;…Luật cũng đã quy định nội dung quan trọng, cần thiết đó là các quy định về hoạt động tôn giáo, hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo.
Liên quan đến cách hiểu về hoạt động tôn giáo, khoản 5 Điều 3 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo giải thích: Hoạt động tôn giáo là việc truyền bá, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi, quản lý tổ chức của tôn giáo.Khoản 11 Điều 2 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo giải thích: Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.
Cả hai cách giải thích nêu trên tại Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Luật tín ngưỡng, tôn giáo về cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau đó là theo quy định của Luật thì hoạt động tôn giáo còn bao hàm cả bày tỏ niềm tin tôn giáo (nội dung này được giải thích tại cách hiểu về sinh hoạt tôn giáo tại Điều 2).
Về truyền bá tôn giáo (còn gọi là truyền đạo) là việc tuyên truyền những lý lẽ về sự ra đời, về luật lệ của tôn giáo. Thông qua hoạt động truyền đạo, niềm tin tôn giáo của các tín đồ được củng cố, luật lệ trong tôn giáo được tín đồ thực hiện. Đối với những người chưa phải là tín đồ, hoạt động truyền đạo sẽ giúp họ hiểu, tin và theo tôn giáo.
Về sinh hoạt tôn giáo, theo giải thích tại Điều 2 của Luật, trong hoạt động tôn giáo ngoài truyền bá tôn giáo, quản lý tổ chức của tôn giáo còn có sinh hoạt tôn giáo. Và cũng tại Điều 2 này sinh hoạt tôn giáo được giải thích đó là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo.
Về tổ chức tôn giáo đó là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.
Hoạt động quản lý tổ chức tôn giáo là hoạt động nhằm thực hiện quy định của giáo luật, hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo, đảm bảo duy trì trật tự, hoạt động trong tổ chức tôn giáo.
Từ cách giải thích về hoạt động tôn giáo nêu trên, Luật đã dành một chương với 13 điều quy định về hoạt động tôn giáo. Các nội dung đó gồm:
Một là, thông báo danh mục hoạt động tôn giáo:
Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi chung là Pháp lệnh) quy định: Hằng năm trước ngày 15/10, người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký hoạt động tôn giáo sẽ diễn ra vào năm sau tại cơ sở đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày gửi văn bản đăng ký hợp lệ, nếu Ủy ban nhân dân cấp xã không có ý kiến khác thì tổ chức tôn giáo cơ sở được hoạt động theo nội dung đã đăng ký.
Cũng nội dung về hoạt động tôn giáo hằng năm, Điều 43 của Luật quy định: Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tùy theo địa bàn hoạt động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp xã; Ủy ban nhân dân cấp huyện; cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh; cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương) về danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày được công nhận, chấp thuận hoặc được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
Việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm chỉ thực hiện một lần. Đối với hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì người đại diện tổ chức có trách nhiệm thông báo bổ sung chậm nhất 20 ngày trước khi diễn ra hoạt động.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 67 của Luật quy định:
Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước ngày Luật có hiệu lực có trách nhiệm thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 43 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Như vậy, từ các quy định trên có thể nhận thấy, nếu như Pháp lệnh quy định chỉ tổ chức tôn giáo cơ sở hằng năm trước 15/10 phải đăng ký hoạt động tôn giáo hằng năm với Ủy ban nhân dân cấp xã (năm nào cũng phải đăng ký), thì hiện nay Luật quy định tất cả các tổ chức (tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở một xã; tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều xã thuộc một huyện; tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều huyện thuộc một tỉnh và tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh) sẽ thực hiện thông báo thay vì đăng ký và chỉ thông báo có một lần như nêu trên. Nếu hoạt động tôn giáo nào chưa thông báo, thì người đại diện tổ chức sẽ thông báo bổ sung.
Đây là quy định tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như cho các tổ chức khi thực hiện thông báo hoạt động tôn giáo hằng năm.
Hai là, hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc:
Pháp lệnh gộp cả hai nội dung hội nghị thường niên và đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức tôn giáo cơ sở để điều chỉnh trong cùng điều luật và các tổ chức khi thực hiện các quy định này tùy thuộc hội nghị, đại hội của cấp nào sẽ được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương).
Khác với các quy định của Pháp lệnh, Luật đã tách hội nghị thường niên và đại hội để điều chỉnh ở các điều luật khác nhau. Nếu là hội nghị thường niên thì tổ chức chỉ cần thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương) chậm nhất là 20 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.Nếu là đại hội, tổ chức phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi tổ chức đại hội. Luật cũng bổ sung thêm đối tượng được tổ chức đại hội là tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định về việc tổ chức hội nghị liên tôn giáo, hội nghị có yếu tố nước ngoài của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Đối với các hội nghị này, trước khi thực hiện các tổ chức có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Đây là các hội nghị hiện nay các tổ chức thực hiện nhiều nhưng Pháp lệnh hiện chưa có quy định vì vậy rất khó khăn cho các tổ chức khi thực hiện.
Về thời hạn cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời các tổ chức khi tổ chức đại hội được nâng lên 25, 30, 45 ngày tùy thuộc thẩm quyền của tổ chức, để các cơ quan có thời gian phối hợp nghiên cứu, thẩm định.
Ba là, cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp:
Cuộc lễ, giảng đạo được Pháp lệnh điều chỉnh bởi các quy định khác nhau từ trình tự, thủ tục, thẩm quyền đến thời gian cơ quan nhà nước có trách nhiệm trả lời. Nếu là cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo thì tùy thuộc vào sự tham gia của tín đồ mà thẩm quyền chấp thuận thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đối với giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn giáo, thẩm quyền chấp thuận sẽ là Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Luật đã gộp cả hai nội dung cuộc lễ, giảng đạo để điều chỉnh trong cùng một điều luật với hai khoản (bỏ truyền đạo vì đây là quyền của tổ chức tôn giáo).Bổ sung quy định nếu giảng đạo ngoài địa bàn phụ trách, cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký, chức sắc, chức việc, nhà tu hành phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi dự kiến tổ chức.
Nội dung mới tiếp theo của Luật so với Pháp lệnh đó là thẩm quyền chấp thuận cuộc lễ, giảng đạo thay vì phải được sự chấp thuận của một trong hai cơ quan là Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thì hiện nay thẩm quyền này Luật giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh.
Về thời hạn cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời tổ chức tôn giáo khi tổ chức cuộc lễ; trả lời chức sắc, chức việc, nhà tu hành khi thực hiện giảng đạo được nâng lên 25 hoặc 30 ngày tùy thuộc vào thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức cuộc lễ, giảng đạo có trách nhiệm hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc lễ, giảng đạo.
Bốn là, hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài:
Hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật bao gồm: Sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; việc mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo của tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; việc mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo của nhóm người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tập trung; người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam; tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài; hoạt động quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài.
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh còn phù hợp, Luật đã có những quy định mới, cụ thể được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đánh giá là tiến bộ. Với các quy định này sẽ góp phần tạo điều kiện không chỉ cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ hoạt động tôn giáo tại Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khi cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt, hoạt động tôn giáo.
Năm là, hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo:
Đối với hoạt động xuất bản, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, Luật quy định:Tổ chức tôn giáo được thực hiện hoạt động xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo, đồ dùng tôn giáo theo quy định của pháp luật về xuất bản và quy định khác của pháp luật.
Đối với các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo:Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá trong một số lĩnh vực, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được tham gia vào các hoạt động xã hội hoá vì mục đích từ thiện, nhân đạo, Luật quy định tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, có thể nói, cùng với các quy định về tổ chức tôn giáo, quy định về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo; về tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo; … hoạt động tôn giáo với nhiều quy định cụ thể, nhiều nội dung mới, quan trọng mang tính đột phá đã đem lại một bước cho sự hoàn thiện của pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo./.
Hà Anh