Với người Khmer, mỗi năm họ đón 3 cái Tết. Trong đó, Chôl Chhnăm Thmây có ý nghĩa như Tết Nguyên đán của người Việt. Đó là thời điểm mà tất cả mọi người thêm tuổi mới. Bởi thế, người Khmer hay gọi nôm na đây là “Tết vô tuổi”. Xuất phát từ ý nghĩa trên, “Tết vô tuổi” của người Khmer có khá nhiều hoạt động hấp dẫn nhưng vẫn giữ được nền tảng tín ngưỡng thiêng liêng là nhớ ơn ông bà. Do đó, ngoài việc mừng cho người sống thêm 1 tuổi, Chôl Chhnăm Thmây còn là dịp để tưởng nhớ những người đã khuất.

Theo lời kể thì Tết Chôl Chhnăm Thmây lúc đầu được tổ chức trong tháng Giêng, tức sau Tết Nguyên đán của người Kinh ít ngày. Sau đó, ông bà mới tổ chức lại vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch hàng năm. Thông thường, Tết Chôl Chhnăm Thmây được tổ chức 3 ngày với nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian được lưu truyền nhiều đời. Đối với những ngôi chùa có đông phật tử, người ta đón Tết Chôl Chhnăm Thmây đến 7 ngày. Thông qua cách đón Tết của mỗi chùa có thể đoán biết đời sống kinh tế của cộng đồng phật tử xung quanh khu vực đó.
Trong những ngày diễn ra Tết cổ truyền, người Khmer tạm gác việc đồng áng, buôn bán. Họ chỉ chuyên tâm đến chùa lễ Phật, cúng sư và cầu nguyện cho ông bà. “Chùa là cội nguồn văn hóa của người Khmer nên mọi hoạt động của chúng tôi đều diễn ra tại đây. Không chỉ có ChôlChhnăm Thmây mà cả những dịp lễ lộc quan trọng trong gia đình, làng xã, người Khmer đều đến chùa” - ông Chau Dinh cho hay.
Về Bảy Núi những ngày này rất dễ thấy những người phụ nữ Khmer cùng nhau mang cơm lên chùa. Họ ra khỏi nhà từ lúc sương sớm còn đọng trên tán lá thốt nốt để kịp dâng lên các sư. Ngoài việc mừng tuổi mới, Chôl Chhnăm Thmây còn mang ý nghĩa đặc biệt gần giống với hoạt động đón Thanh minh của người Kinh. “Những ngày này, người ta hay ra mộ ông bà để cúng mâm cơm, thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn đã cho thế hệ sau có cuộc sống ấm no. Với những gia đình có điều kiện, họ còn thỉnh các sư ra tận mộ để tụng kinh cầu siêu cho ông bà. Mâm cơm mang ra mộ không quá thịnh soạn, chủ yếu là những món người quá cố ưa thích khi còn sống” - ông Chau Sóc Kóp, người dân xã An Cư (Tịnh Biên), thông tin.
Với người Khmer, dịp Tết cổ truyền là thời điểm thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà. Do đó, dù có đi làm ăn xa cũng tranh thủ về trước mộ phần thắp hương tưởng nhớ. Tại những phum, sóc có điều kiện, người ta có thể tổ chức lễ “làm phước” khá long trọng và mời các sư đến tụng kinh cầu siêu. Sau khi đến chùa, người Khmer thường về nhà sum họp gia đình hoặc đến thăm họ hàng gần xa, chúc nhau mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt.
Ngoài các hoạt động lễ bái, các điểm chùa Khmer còn là nơi diễn ra những trò chơi dân gian cổ truyền trong dịp Tết Chôl Chhnăm Thmây. Với những chùa có điều kiện, người ta sẽ tổ chức các trò chơi kéo dây, bắn chàm hay ném khăn. “Sau mỗi trận đấu, người thắng cuộc sẽ múa hát hoặc nhảy Lâm Thôn để rước người thua cuộc về đội của mình. Riêng trò ném khăn thì người chơi sẽ chia ra 1 đội nam và 1 đội nữ. Nếu bên nam ném khăn trúng cô gái nào thì họ sẽ múa hát để rước người đó về đội mình. Nhiều trường hợp người ném khăn và kẻ bị ném khăn đã nên duyên chồng vợ” - ông Chau Dinh hóm hỉnh.
Sau những ngày chuyên tâm đến chùa cầu nguyện cho ông bà, đồng bào Khmer đánh dấu sự kết thúc Tết Chôl Chhnăm Thmây bằng lễ “tắm Đức Phật”. Xét về mặt ý nghĩa, hoạt động này gần giống với tục hạ nêu trong Tết Việt. Ông Chau Sóc Kóp giải thích: “Qua lễ “tắm Đức Phật”, chúng tôi mong muốn mọi điều phiền muộn trong cuộc sống sẽ qua đi, những chuyện tốt lành sẽ đến. Sau những ngày đón Tết, chúng tôi trở lại với cuộc sống thường nhật cùng ước muốn về cuộc sống ấm no. Sau Chôl Chhnăm Thmây, người Khmer còn hướng đến ngày Tết Dolta. Khi đó, hoạt động tưởng nhớ tổ tiên sẽ được tổ chức long trọng hơn bởi Dolta là Tết tưởng nhớ ông bà”.
Tết Chôl Chhnăm Thmây cho thấy sự đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng của người Khmer. Đây là cơ sở để các thế hệ người Khmer tiếp tục duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống, làm “mối dây tình cảm” gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, giáo dục thế hệ trẻ tấm lòng biết ơn tổ tiên và những người đi trước./.
Xuân Lan