Những sách nghiên cứu về tôn giáo đã được xuất bản với số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, nhưng sách viết về các tôn giáo được đặt cạnh nhau trong sự hình thành và phát triển, sự giống nhau và khác nhau, sự ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đối với nhân loại… không nhiều.
Ở đâu có con người, ở đó có tôn giáo. Từ những thủ đô lớn đến những vùng kém phát triển nhất của thế giới, ngay cả khi ngược dòng thời gian tìm về những nền văn minh tiền sử, ở đâu cũng có đền chùa, nhà thờ, kim tự tháp, cự thạch bi, họa phẩm, đồ chôn cất trong hang động và những công trình khác mà các bộ tộc người qua từng thời đại đã dựng lên để ghi lại dấu tích cũng như nói lên bản chất tôn giáo của con người.
Suốt trong quá trình hiện hữu của con người trên trái đất, đã có rất nhiều tôn giáo ra đời, nhất là những tôn giáo không được biết đến trong thời gian dài chưa có chữ viết. Cho nên, sách sẽ chỉ đề cập đến những tôn giáo đang hoạt động và còn tồn tại đến ngày nay. Đối với mỗi tôn giáo, nội dung sách lần lượt tìm hiểu bốn điểm chính yếu: nền văn hóa sản sinh, người sáng lập, kinh sách thiêng liêng và quá trình phát triển.
Cuốn sách là một công trình biên soạn công phu, khoa học, tập hợp rất nhiều tư liệu, hình ảnh có giá trị với cách trình bày và đánh giá khách quan, nghiêm túc, tác giả đã thực sự giới thiệu đến người đọc một cách nhìn tổng quan suốt một chặng đường lịch sử hình thành tín ngưỡng, niềm tin cho đời sống tinh thần của nhân loại. Sách là tài liệu tham khảo không thể thiếu đối với những ai đang muốn tìm hiểu hoặc nghiên cứu sâu rộng các tôn giáo đang hoạt động có nhiều ảnh hưởng nhất trên đời sống và sinh hoạt của thế giới hiện nay.
“Các tôn giáo trên thế giới” do các tác giả Lewis M.Hopfe và Mark R.Woodward, bằng quan điểm duy vật lịch sử, đã vẻ ra bức tranh toàn cảnh các tôn giáo trên thế giới hiện đại trong sự vận động khôn lường của các tôn giáo với nhau nói riêng và với thế giới nói chung. Cuốn sách với tác quyền của Văn Lang Books, dịch giả Phạm Văn Liễn và nhà xuất bản Thời đại xuất bản gồm 14 chương:
Chương 1: Những đặc tính của các tôn giáo cơ sở
Chương 2: Các tôn giáo bản địa châu Mỹ
Chương 3: Các tôn giáo Châu Phi
Các tôn giáo gốc Ấn Độ
Chương 4: Ấn giáo
Chương 5: Kỳ na giáo
Chương 6: Phật giáo
Chương 7: Đạo Sikh
Các tôn giáo khởi nguyên ở Trung Quốc và Nhật Bản
Chương 8: Các tôn giáo ở Trung Quốc
Chương 9: Thần đạo
Các tôn giáo phát triển từ Trung Đông
Chương 10: Bái hoả giáo
Chương 11: Do thái giáo
Chương 12: Ki-tô giáo
Chương 13: Hồi giáo
Chương 14: Bahai’i giáo
Xin trân trọng giới thiệu đến Quý bạn đọc !
Nhật Anh (tổng hợp giới thiệu)