Để thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ về “Vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước” giai đoạn 1999-2011. Ông Nguyễn Quang Nông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Hội Nông dân tỉnh và Ban Tôn giáo Sở Nội vụ đã tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung chương trình phối hợp, xây dựng nội dung phối hợp giữa hai ngành. Đồng thời, hai ngành chỉ đạo các cấp hội tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Trong quá trình lãnh đạo, triển khai thực hiện chương trình phối hợp hoạt động, cán bộ từng ngành luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, thường xuyên rút kinh nghiệm, trao đổi thông tin, bổ sung nội dung công tác, hình thức tiến hành, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao. Vì vậy cùng với hiệu quả công tác tôn giáo, công tác xây dựng cơ quan, tổ chức hội cũng vững mạnh toàn diện.
Kinh nghiệm phối hợp
Thực hiện chương trình phối hợp, 12 năm qua Hội Nông dân và Ban Tôn giáo tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nông dân là các tín đồ tôn giáo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo như Nghị quyết số 25-NQ/TW Về công tác tôn giáo; Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá IV. Với nhiều hình thức tuyên truyền cho hàng vạn lượt người tham dự thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như xây dựng chuyên trang, chuyện mục: “Tiếng nói nhà nông” đưa tin, bài trên Báo và Đài phát thanh truyền hình của tỉnh; phát hành bản tin sinh hoạt chi hội hàng quý; bản tin tôn giáo; tổ chức thi “Nhà nông đua tài”, “Thôn nữ giỏi giang, duyên dáng”, thi “Tiếng hát đồng quê”,… qua đó đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân là tín đồ các tôn giáo đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc, xây dựng tổ chức cơ sở hội vững mạnh, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định về hoạt động tôn giáo, thực hiện tốt phương châm “Kính chúa yêu nước”, “sống tốt đời đẹp đạo”.
Phát triển kinh tế là mũi nhọn
Toàn tỉnh Bắc Giang có 3.505 hội viên nông dân thuộc 58 cơ sở hội, 212 chi hội, 100% xã, phường, thị trấn, thôn bản vùng đồng bào theo đạo đều có tổ chức hội nông dân. Toàn bộ cơ sở hội và chi hội đều xây dựng được quỹ hoạt động với tổng số tiền là 15.653 triệu đồng, trong đó số cơ sở hội ở vùng đồng bào có đạo đều xây dựng được khoảng 3.190 triệu đồng. Đồng thời thành lập quỹ hỗ trợ nông dân được 6.241,8 triệu đồng, trong đó số cơ sở hội vùng đồng bào có đạo xây dựng được 1.392 triệu đồng. Số vốn này sẽ được các hộ nông dân theo đạo và không theo đạo vay đầu tư phát triển sản xuất. Đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần tạo khích lệ, động viên tín đồ tôn giáo tích cực tham gia sinh hoạt hội. Nổi bật trong sinh hoạt hội mà hai ngành đã tích cực vận động, đó là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Nhờ đó mà bà con Công giáo mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ và cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở mang các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ thương mại phục vụ sản xuất và đời sống. Để đạt hiệu quả cao nhất trong phát triển kinh tế gia đình, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các ngành chức năng mở trên 2.800 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 240.000 lượt nông dân về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và kết hợp biểu dương mô hình phát triển kinh tế VAC, VACR… Xác định vốn vay phát triển kinh tế gia đình cũng cần được đặc biệt quan tâm, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay uỷ thác qua tổ chức Hội. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân như dịch vụ phân bón trả chậm, tổ chức dạy nghề ngắn hạn, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Hiện nay phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ… của hội nông dân đã khích lệ nhiều gia đình thoát nghèo, làm giàu chính đáng, trong đó có không ít hộ dân là tín đồ theo đạo. Năm 2010 có 110.982 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm, số hộ khá giàu ngày càng được tăng lên. Điển hình như bà con giáo dân ở thôn Nhật Đức-thị trấn Kép, thôn Tân Mỹ-Mỹ An (huyện Lục Ngạn), bà con họ đạo Hoà An xã Hợp Đức, họ Lục Hạ xã Tân Trung (huyện Tân Yên), họ Đại Lãm (Lục Nam) trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, dưa ngọt, dưa bao tử, ớt xuất khẩu, trồng cây cảnh, trồng hoa, trồng rau an toàn… cho thu nhập cao trên 100 triệu đồng/ha/năm. Họ đạo thôn Cống, xã Thái Đào (Lạng Giang) nuôi cá thả lồng giải quyết việc làm thường xuyên cho 200 lao động, bình quân mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng, trở thành mũi nhọn kinh tế, làm giàu của bà con trong thôn… Những gương nông dân điển hình trong phát triển kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều ở các xứ, họ đạo. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Sinh ở xã Hoàng An (Hiệp Hoà) xây dựng mô hình cây con giống hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động; ông Nguyễn Văn Hoà xã Hợp Thịnh (Hợp Hoà) mở dịch vụ xưởng cơ khí đóng tàu cho thu nhập trên 1 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 20 công nhân; ông Nguyễn Đình Đạt, Nguyễn Đức Cường ở họ đạo thôn Tây, xã Tiên Lục (Lạng Giang) hộ sản xuất kinh doanh giỏi thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; ông Cáp Văn Sơn ở xã Hợp Đức (Tân Yên) với mô hình VAC khép kín hàng năm cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng,… ông Hoàng Kinh Phí thôn Quang 1, xã Đông Hưng (Lục Nam) có mô hình trồng cây ăn quả hàng năm cho thu nhập 150 triệu đồng.; ông Nguỵ Văn Luận thôn Hương, thị trấn Tân Dân (Yên Dũng) mô hình nuôi chim bồ câu cho thu nhập 150 triệu đồng/năm… Đây chỉ là một trong số ít những hội viên nông dân là tín đồ tôn giáo đang nhân rộng mô hình làm kinh tế ở tỉnh Bắc Giang.
Đời sống văn hoá
Bên cạnh đó, Hội Nông dân và Ban Tôn giáo tỉnh luôn quan tâm phối hợp vận động nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân là tín đồ các tôn giáo hăng hái thi đua yêu nước, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào: “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “sống tốt đời đẹp đạo”; đẩy mạnh phong trào chống tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới, hàng năm bà con giáo dân đều đăng ký và đạt danh hiệu gia đình văn hoá, ký cam kết nói không với các tệ nạn xã hội, tham gia vào các tổ liên quan tự quản; xây dựng và thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư trong việc cưới, việc tang và lễ hội, không mê tín dị đoan trong hoạt động tín ngưỡng…đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và đẩy lùi các tệ nạn xã hội xây dựng địa bàn dân cư trong sạch, vững mạnh, tạo hình ảnh đẹp về tinh thần lương giáo đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Hàng chục km đường, nhiều công trình điện, hàng trăm công trình văn hoá đã được nhân dân và các tín đồ tôn giáo đóng góp xây dựng với hàng chục tỷ đồng, bộ mặt thôn xóm khang trang, đời sống không ngừng được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Nhiều cơ sở thờ tự được tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới đã tạo điều kiện để đồng bào Công giáo thực hiện việc đạo, chấp hành tốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo. Điển hình như họ đạo Cầu Chính xã Tân Dĩnh, họ Trám, họ Sàn xã Mỹ Hà, họ đạo thôn Tây, xã Tiên Lục (Lạng Giang), bà con giáo dân xã Châu Minh (Hiệp Hoà) đóng góp xây dựng 1 trường học trị giá hàng tỷ đồng, bà con giáo dân Tam Di (Lục Nam)…
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hai ngành tiếp tục phối hợp tuyên truyền giáo dục chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, vận động các tín đồ tôn giáo tích cực đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, dân tộc nhằm chống phá cách mạng; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, đạo đức lành mạnh của tôn giáo, làm cho tín đồ tôn giáo gắn bó với dân tộc; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng theo hướng bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời diễn biến. Dự báo đúng chiều hướng tư tưởng của các tầng lớp, các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, kịp thời cùng với tăng cường đối thoại, thuyết phục: công tác tư tưởng gắn với công tác tổ chức, nói đi đôi với làm, phát hiện kịp thời, cổ vũ động viên, nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến trong đồng bào các tôn giáo; tiếp tục triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh) cho nông dân và hội viên nông dân vùng đồng bào có đạo, tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa các tôn giáo và trong cộng đồng dân cư cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Hội ở vùng đồng bào có đạo; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, thành phố và đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã, phường, thị trấn.
Thông qua chương trình phối hợp giữa hai ngành ở tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả: giúp cho hội viên nông dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình. Đồng thời động viên hội viên nông dân sống “tốt đời đẹp đạo” tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa bàn dân cư.
Trường Giang-Bách Hợp