Thời gian qua tình hình hoạt động tôn giáo trên địa bàn ổn định, cơ bản tuân thủ qui định của pháp luật. Các ngày lễ trọng, lễ hội tôn giáo gắn với các sinh hoạt văn hoá truyền thống như: lễ Phật đản, lễ Vu lan của đạo Phật; lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành... được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo tín đồ, và người dân tham gia. Việc chia tách, thành lập các tổ chức tôn giáo cơ sở; chia tách và kiện toàn các điểm nhóm đạo Tin lành; đưa người đi đào tạo tại các trường đào tạo tôn giáo, phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc; cải tạo, xây dựng cơ sở thờ tự ... được các cấp chính quyền của tỉnh Thái Nguyên quan tâm và tạo điều kiện đáp ứng kịp thời theo qui định của Pháp luật. Tín đồ các tôn giáo yên tâm phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Với phương châm sống tốt đời đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào; Những năm qua đồng bào các tôn giáo tỉnh Thái Nguyên đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển của tỉnh.
Để đạt được những kết quả trên là do công tác quản lý nhà nước về tôn giáo luôn có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND, Ban Tôn giáo Chính Phủ và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành chức năng của tỉnh. Qua đó đã giúp Ban Tôn giáo-Sở Nội vụ thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ, chức năng tham mưu trên lĩnh vực công tác tôn giáo, thể hiện trên các mặt công tác sau:
1. Tập trung quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo
Nhằm cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, những năm qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản qui phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho các cấp chính quyền trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo một cách hiệu quả như: Quy định về các hoạt động tôn giáo trên địa bàn; về trình tự, thủ tục xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo; về trình tự, thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước xem xét việc đăng ký phong chức, bổ nhiệm, suy cử, thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành; đưa người đi đào tạo tại các trường đào tạo tôn giáo và người vào tu trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn liên ngành về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo. Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành. Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 1940/CT-TTg về nhà và đất có liên quan đến tôn giáo. Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo để tăng cường trách nhiệm của các đơn vị, các ngành các cấp tham gia công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Thành lập Tổ công tác liên ngành tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo; Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 1940/2008/CT-TTg về nhà và đất có liên quan đến tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Bằng nhiều hình thức khác nhau, từ năm 2005 đến nay Ban Tôn giáo- Sở Nội vụ đã phối hợp cùng một số ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị của tỉnh tổ chức cho trên 3000 lượt cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị được tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ, các hội nghị chuyên đề về tôn giáo; trên 7000 lượt chức sắc, tín đồ các tôn giáo được nghe tuyên truyền về chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác cũng được quan tâm như tuyên truyền, phổ biến qua bản tin, qua phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo viết, báo mạng của tỉnh.v.v... Do đó, nhận thức của đa số cán bộ trong hệ thống chính trị thay đổi tích cực; các tổ chức trong hệ thống chính trị ý thức được trách nhiệm của mình, tham gia chủ động hơn trong giải quyết các vấn đề có liên quan; sự phối hợp giữa các cơ quan về công tác tôn giáo nhịp nhàng, đồng bộ hơn, tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo diễn ra thuận lợi đúng với quy định của pháp luật, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của công dân.
2. Công tác vận động quần chúng tín đồ tôn giáo
Nhận thức nhiệm vụ trọng tâm của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, tỉnh Thái Nguyên đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, những bước đi phù hợp và tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong công tác xoá đói giảm nghèo, xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo". Vì vậy, những năm qua đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo, đặc biệt là đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa theo đạo Tin lành ngày càng được cải thiện, đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế, thi đua phấn đấu sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn.
3. Công tác quản lý các hoạt động tôn giáo
Các hoạt động tôn giáo luôn được tạo điều kiện và hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết, góp phần đảm bảo nhu cầu chính đáng hợp pháp của đồng bào có đạo. gần 50 % cơ sở thờ tự tôn giáo đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số cơ sở tôn giáo được cấp đất mới, hơn 30 cơ sở của đạo Công giáo, đạo Phật được tôn tạo, nâng cấp và xây dựng mới. 20 ứng sinh, của đạo Công giáo và đạo Phật được tạo điều kiện tu học tại Đại chủng viện, Học viện; gần 30 lượt chức sắc tôn giáo được tạo điều kiện phong chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển hoạt động. Hoạt động của các tổ chức nước ngoài liên quan đến tôn giáo trên địa bàn tỉnh được quản lý bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích và pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức và cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh được khuyến khích, đem lại hiệu quả tích cực. Mối quan hệ giữa các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với các chức sắc, chức việc và tổ chức tôn giáo được củng cố.
4. Công tác kiểm tra và giải quyết khiếu tố, khiếu nại liên quan đến tôn giáo, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo
Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh thường xuyên nắm chắc tình hình, rà soát và phân loại các đối tượng có hành vi lợi dụng tôn giáo vào các mục đích phi tôn giáo để có kế hoạch, biện pháp tăng cường quản lý; chú trọng công tác xây dựng lực lượng nòng cốt, công tác tranh thủ chức sắc, chức việc tôn giáo được quan tâm, góp phần ổn định tư tưởng quần chúng, ngăn chặn hiệu quả hoạt động tiêu cực, vô hiệu hóa hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đối với các đơn vị cơ sở, kịp thời phát hiện, kiểm tra, điều chỉnh giúp cán bộ cơ sở, không để xảy ra những sơ hở, thiếu sót dễ bị lợi dụng. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục hành chính, phối hợp tốt với các Sở, Ban, ngành thực hiện cơ chế "một cửa liên thông", thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết các thủ tục hành chính đối với các tổ chức, cá nhân đến làm việc với Ban Tôn giáo.
Với những kết quả đã đạt được, Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên đã được nhận các Bằng khen của UBND tỉnh; được Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ nội vụ 3 lần tặng cờ thi đua xuất sắc cùng nhiều Bằng khen cho tập thể và cá nhân trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo, đây là niềm vinh dự, tự hào ghi nhận sự nỗ lực không ngừng vươn lên của tập thể cán bộ, công chức Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên./.
Ths Trịnh Thị Mai
Phó Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên